Nhà thuốc Phước Thiện

Trẻ kém hấp thu dinh dưỡng - Mẹ phải làm sao?

Trẻ kém hấp thu dinh dưỡng, ăn mãi nhưng không tăng cân là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu chất. Đây là vấn đề khiến nhiều bậc ba mẹ lo lắng. Vậy để cải thiện tình trạng này, ba mẹ cần làm gì? Cùng theo dõi hết bài viết bên dưới để tìm ra câu trả lời nhé! Ngày đăng: 02/07/2024

Tình trạng hấp thu kém ở trẻ là gì?

Có thể hiểu đó là khi trẻ ăn uống đầy đủ nhưng hệ tiêu hóa không tiếp nhận đủ các dưỡng chất có trong trong thức ăn. Lâu dài sẽ khiến cơ thể thiếu hụt những nguồn dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến tình trạng chậm phát triển, suy dinh dưỡng. 

Đặc biệt, khi hệ miễn dịch bị suy yếu do thiếu chất sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ở trẻ. Do đó, ba mẹ cần nắm rõ những triệu chứng và dấu hiệu ban đầu ở trẻ kém hấp thu như: 

  • Bé hay có các triệu chứng đau, chướng bụng kèm sôi bụng cùng với đó là nôn hoặc nôn trớ.
  • Thường hay đi ngoài phân lỏng, có mùi tanh. Đối với những trẻ lớn hơn, ba mẹ có thể chú ý trong bồn cầu có váng nổi lên mặt nước, do mỡ không hấp thu được. 
  • Da trẻ thường hay xanh xao, cơ thể mệt mỏi, nhợt nhạt.
  • Có dấu hiệu sụt cân hoặc tăng cân rất chậm. 
  • Chán ăn hoặc không có dấu hiệu thèm ăn
  • Tâm trạng thất thường, dễ quấy khóc, cáu gắt

Những yếu tố khiến trẻ kém hấp thu, chậm tăng cân

Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện 

Ở giai đoạn đầu, hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ chưa được phát triển toàn diện. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn và virus tấn công gây rối loạn hệ tiêu hóa, gây tình trạng kém hấp thu dinh dưỡng.

Thiếu hụt enzyme tiêu hóa

Các enzyme tiêu hóa bị thiếu hụt sẽ không thể phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng, từ đó tích tụ lại trong cơ thể. Theo thời gian sẽ dẫn đến tình trạng chướng bụng, đầy hơi, làm bé khó có thể hấp thu dưỡng chất cần thiết.

Cho trẻ ăn dặm quá sớm

Khi cho trẻ ăn dặm quá sớm, hệ tiêu hóa chưa có đủ các loại men để xử lý thức ăn nạp vào cơ thể, dễ làm tăng khả năng tổn thương dạ dày, nhu động ruột hoạt động kém. Về lâu dài sẽ khiến cơ thể của trẻ khó tiếp nhận dinh dưỡng. 

Không cân bằng các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn

Việc cung cấp đầy đủ các dưỡng chất trong mỗi bữa ăn rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ. Bao gồm các nhóm thành phần tinh bột, chất béo, chất đạm và vitamin khoáng chất. Nếu thiếu đi dưỡng chất nào có thể gây tình trạng sụt cân, kém hấp thu, sức đề kháng kém. 

Phương pháp cải thiện tình trạng kém hấp thu ở trẻ

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đúng cách: Ba mẹ nên cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng như đạm, đường, béo và rau củ cho bé. Đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn để kích thích trẻ ăn uống.
  • Hạn chế ăn vặt: Không nên cho bé ăn vặt giữa các bữa ăn, vì trẻ sẽ no và không chịu ăn hoặc ăn không hết khẩu phần ăn chính. 
  • Bổ sung dinh dưỡng từ sữa mỗi ngày: Sữa là một trong những nguồn dinh dưỡng dễ hấp thu nhất cho bé. Ba mẹ nên sử dụng thêm các loại sữa non giúp bé tăng cân và tăng nguồn dưỡng chất cho bé mỗi ngày. 
  • Sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung: Như các loại men vi sinh sẽ giúp bổ sung enzyme cho đường ruột, giúp cải thiện hệ tiêu hóa cho trẻ. 
  • Tạo thói quen tập luyện thể thao cho trẻ: Việc tăng cường vận động sẽ giúp đường ruột co bóp, tăng khả năng tiêu hóa ở trẻ.
  • Sổ giun định kỳ cho trẻ: Trên 24 tháng tuổi ba mẹ nên cho trẻ đi sổ giun 6 tháng/lần. Bởi các loại giun ký sinh trong cơ thể là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé kém hấp thu, suy dinh dưỡng.

Hấp thu dinh dưỡng là điều kiện quan trọng để trẻ khỏe mạnh toàn diện. Trẻ kém hấp thu, chậm tăng cân trong thời gian dài có thể gây nên nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Ba mẹ nên quan tâm và nhận biết các dấu hiệu bé kém hấp thu để có phương pháp chăm sóc phù hợp nhé!