Nhà thuốc Phước Thiện

Biện pháp phòng ngừa giãn tĩnh mạch chi dưới

Giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng đưa máu về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân, gây ra hiện tượng máu bị ứ đọng và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh. Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy đau chân, tê chân, nặng mỏi chân… Ngày đăng: 17/06/2024

Dấu hiệu nhận biết rõ nhất của bệnh này là hiện tượng mạch nổi rõ trên bề mặt da, giãn lớn và phình to ở từng giai đoạn. Bệnh lý này thường gặp phải ở những người thường xuyên đứng lâu. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng là đối tượng dễ bị mắc bệnh. 

Vậy làm sao để phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới, cùng tìm hiểu ngay ở nội dung bên dưới.

6 Cách đơn giản giúp phòng bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới

Hạn chế đứng hoặc ngồi lâu

Đứng hoặc ngồi lâu sẽ khiến máu khó di chuyển đến tim. Đặc biệt, những người đứng hoặc ngồi thường xuyên trong thời gian dài sẽ dễ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch hơn so với người khác. Do đó, để hạn chế tình trạng này bạn nên nghỉ ngơi và vận động sau khi đứng hoặc ngồi nhiều giờ. Khi đứng lâu bạn nên ngồi xuống 15 phút, xoa bóp chân bàn chân và bắp chân để tăng cường lưu thông máu.

Thường xuyên tập luyện thể thao

Những bài thể dục đặc biệt là bài tập cơ bắp chân sẽ giúp thúc đẩy máu của tĩnh mạch về tim. Đây là phương pháp hiệu quả giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới. Bạn có thể tham khảo các bài tập như yoga, đi bộ hoặc leo cầu thang…

Giảm cân đối với trường hợp thừa cân

Thừa cân, béo phì sẽ tạo ra áp lực nhiều hơn lên hệ tĩnh mạch, làm giảm khả năng lưu thông máu ở chân, đây là một trong những nguyên nhân gây tĩnh mạch chi dưới. Do đó, việc giảm cân cũng sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ hình thành các giãn tĩnh mạch mới, hơn nữa còn cải thiện tình trạng bệnh. 

Ngoài hỗ trợ điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch, giảm cân còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, đột quỵ, tiểu đường. 

Hạn chế mặc quần áo bó sát

Để ngăn chặn sự hình thành và phát triển của chứng suy giãn tĩnh mạch, bạn hãy hạn chế mặc các loại quần áo bó sát,hoặc quá chật đặc biệt ở phần chân. Bởi khi mặc quần áo chật sẽ vô tình gây cản trở lưu thông máu, tạo ra áp lực lên thành mạch dẫn đến suy giãn tĩnh mạch. 

Hạn chế mang dép cao gót để phòng ngừa giãn tĩnh mạch

Khi bị giãn tĩnh mạch bạn không nên đi giày cao gót, thay vào đó hãy lựa chọn các loại dép, giày đế thấp và mềm. Đặc biệt, khi di chuyển hãy cố gắng đi cân bằng, để trọng lượng cơ thể dồn lên đều ở cả hai chân.

Nâng cao chân

Nếu có thể hãy đặt chân lên ghế hoặc nâng chân cao sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình máu chảy ngược về tim. Điều này đóng vai trò quan trọng nếu bạn làm những công việc đòi hỏi phải đứng hoặc ngồi nhiều trong thời gian dài. Một trong những mẹo mà bạn có thể áp dụng đó là khi ngủ, hãy kê chân cao hơn tim sẽ giúp máu lưu thông về tim tốt hơn. 

Hạn chế mang vác vật nặng

Mang vác vật nặng không chỉ ảnh hưởng đến hệ xương mà còn tạo áp lực lên chân, khiến các tĩnh mạch chịu một lực ép lớn do máu dồn xuống chân. 

Ngoài những phương pháp phòng ngừa giãn tĩnh mạch trên, bạn hãy hạn chế xoa dầu nóng vào chân, không ngâm chân trong nước nóng vì càng làm cho các tĩnh mạch giãn nở, gây khó khăn trong việc vận chuyển máu về tim. Không tắm nước nóng hoặc sau khi tắm xong hãy nên xối lại chân bằng nước lạnh, vì nước lạnh sẽ khiến các tĩnh mạch co lại giúp máu di chuyển về tim dễ dàng hơn. 

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường diễn biến chậm. Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường khó nhận biết ra các triệu chứng. Chính vì vậy, với những người có nguy cơ cao mắc bệnh cần chú ý đến các dấu hiệu để kịp thời điều trị. Việc thay đổi chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng những phương pháp trên để cải thiện tình trạng bệnh nhé!